Hướng dẫn thử nghe loa


Với người sành nhạc, có một điều đương nhiên là dàn âm thanh nghe nhạc/ xem phim/ hát karaoke không nên ghép chung với nhau. Xem phim thì dùng loa 5.1, nghe nhạc thì dùng loa Hiend, hát karaoke thì dùng loa chuyên dùng để hát karaoke. Những người chuyên nghiệp cảm thấy loa để xem phim thì khi nghe nhạc rất khô còn loa nghe nhạc thì không thể hiện được đầy đủ các hiệu ứng của phim v.v.

Cách nghe thử loa

Ở đây chúng tôi chỉ trình bày về việc thử nghe loa karaoke Cấu tạo của loa karaoke thông thường là 2 đường tiếng (bass/tép) hoặc 3 đường tiếng (bass/trung/tép). Bản chất của việc thử loa là việc so sánh âm thanh (bằng cảm nhận của tai) với những âm thanh “chuẩn”. “Chuẩn” ở đây là âm thanh thực tế mà bạn đã nghe (tiếng trầm của trống trường, tiếng cao của đàn bầu/ ghita…) hoặc là tiếng của 1 dàn âm cực xịn nào đó mà bạn đã có dịp được nghe. Việc thẩm âm phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm, tuy nhiên cũng có 1 vài hướng dẫn cho người mới làm quen như sau:

Tiếng loa tép: hãy nghe thử với giọng nữ cao và ghi ta hoặc đàn bầu. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy rằng khi giọng nữ cao của ca sĩ hát những đoạn ngân cao thì loa kém sẽ xảy ra hai vấn đề: bị xé rách khi lên cao hoặc bị cứng. Nếu nghe ghi ta hoặc đàn bầu những đoạn lên cao của nhạc cụ nếu loa kém thì sẽ bị chói (nghe khó chịu) hoặc không phát ra được âm thanh (nghe lạch tạch).

Tiếng loa trung : Nghe thử với giọng Nam trung để phân biệt nếu bộ loa không tốt, khi ngân lên cao thì sẽ bị méo tiếng, còn khi xuống thấp sẽ hơi ồn.

Tiếng loa bass: Nghe thử với tiếng trống, những bộ loa không tốt tiếng trống sẽ không gọn và chắc (tiếng hơi bè bè) còn khi gánh những tiếng trầm của công tơ Bass thì bị ì ì kéo dài (có đuôi)

Đừng để bị “hoa mắt” vì các thông số kỹ thuật

Chất lượng loa phụ thuộc vào nhiều yếu tố: công suất, độ nhạy, mạch phân tần, chất lượng màng loa, chất lượng nam châm, độ bền nam châm v.v. Chất lượng là sự cân bằng giữa các yếu tố đó, và để đánh giá nó có lẽ cách tốt nhất là dựa vào đôi tai của bạn, đừng chú ý tới những công nghệ “kỳ diệu” của nhà sản xuất.

Không phải cứ to là hay

Loa càng to càng dễ bị ảnh hưởng bởi những sóng âm bên ngoài tác động vào, gây tác động không nhỏ tới chất lượng âm thanh. Hơn nữa loa càng nhiều đường tiếng càng cần mạch phân tần phức tạp, trong khi loa 2 đường tiếng chỉ cần 1 ít linh kiện cao cấp.

Liệu loa có phù hợp với phòng của bạn?

Với phòng demo của các cửa hàng, họ có điều kiện tiêu âm chuẩn rồi nên có thể nghe sẽ rất khác với phòng nhà bạn. Nếu nhà bạn chẳng làm tiêu âm/ cách âm thì nên thử nghe loa ở mức âm lượng nhỏ xem tiếng có được chi tiết hay không, còn âm lượng lớn hãy bỏ qua vì tiếng càng to phản âm từ tường càng lớn nên độ nhiễu âm càng lớn.

Hình dạng phòng cũng là yếu tố quan trọng, phòng hình vuông khác với phòng dài. Nên chọn loa sao cho tất cả các loa con hướng vào tường ít nhất có thể (phòng càng hẹp càng nên chọn loa có trung/tép hướng vào giữa loa chứ không hướng ra 2 bên nhiều)